Thứ Tư, 27 tháng 5, 2015

Hóa chất Phthalates - Gây biến đổi giới tính

Hóa chất Phthalate là hợp chất được sử dụng để làm dẻo và mềm nhựa, đồng thời làm tăng khả năng chịu nhiệt ở sản phẩm. Những sản phẩm có chứa hóa chất Phthalate như: sản phẩm nội thất ô tô, ống nhựa, đồ chơi trẻ em, đồ nhựa.

Vì Phthalate là chất làm mềm nhựa, chất này không có khả năng tạo ra liên kết chặt chẽ nên dễ phai ra, nhiệt độ càng cao khả năng chất này phai ra càng lớn. Vì vậy, những sản phẩm có chứa Phthalate là những sản phẩm nhẹ nhưng có mùi nhựa rất nồng, điều này chính là dấu hiệu để nhận biết có chất Phthalate trong sản phẩm nhựa.

Mặt khác, vì dễ phai ra ở nhiệt độ cao, nên các dẫn chất Phthalates sẽ tách ra trong quá trình sử dụng sản phẩm, hòa vào không khí, nước, hay thức ăn đang đựng bên trong rồi theo đường tiêu hóa “xâm nhập” vào cơ thể con người.

Hóa chất Phthalate là một hóa chất độc hại, tác hại nó đem lại cho cơ thể con người là làm xáo trộn nội tiết tố. Các nhà khoa học trường ĐH Rochester (Mỹ) sau khi nghiên cứu về hóa chất này đã cho biết Phthalate có tính kháng nội tiết tố sinh dục nam (androgen). Những bé trai tiếp xúc thường xuyên Phthalate sẽ có sự xáo trộn hormone sinh dục nam trong cơ thể và sẽ có hành vi ít nam tính hơn. Những bé gái bị nhiễm Phthalate sẽ dễ dậy thì trước tuổi.

Theo tiêu chuẩn của Liên minh Châu Âu (EU), đồ chơi sẽ bị coi là không an toàn nếu Phthalate chiếm 0.1% trọng lượng sản phẩm. Tháng 10/2012, Liên Minh Châu Âu cũng đã cảnh báo phía Trung Quốc sẽ không nhập một số mặt hàng của nước này, trong đó có đồ chơi trẻ em, vì các sản phẩm không đáp ứng được tiêu chuẩn an toàn.

Cùng với đó, các chuyên gia khuyến cáo người sử dụng nên xem kỹ nhãn mác hàng hóa để tránh mua sản phẩm có chứa Phthalate. Nhất là lưu ý khi mua các sản phẩm sau:

- Sản phẩm làm đẹp, tránh mua và dùng sản phẩm có chứa DBP (di-n-butyl phthalate) và DEP (diethyl phthalate).
- Sản phẩm nhựa chứa DEHP (di-2-ethylhexyl phthalate) hay Bis (2-ethylhexyl phthalate).
- Sản phẩm tẩy rửa có chứa BBP (benzyl butyl phthalate)
- Thuốc bảo vệ thực vật có chứa DMP (dimethyl phthalate)

(Nguồn tham khảo: suckhoedoisong.vn)

Tìm thông tin Doanh Nghiệp sản xuất & cung cấp Hóa chất: www.yp.vn/yp/nganh-nghe/HOA-CHAT.aspx

Thứ Ba, 12 tháng 5, 2015

NGUY CƠ LƯỠNG TÍNH Ở NGƯỜI DO HÓA CHẤT

Các chuyên gia nghiên cứu khoa học, thuộc Đại học California Berkeley (Mỹ), đã lo lắng về kết quả nghiên cứu hóa chất Atrazine có trong phần lớn các loại phân bón, thuốc diệt cỏ có khả năng gây lưỡng tính ở ếch.

Các chuyên gia cho rằng hóa chất Atrazine, vốn là chất phá vỡ các hormone, chính là nguyên nhân tạo ra những con ếch đột biến, làm giảm sút số lượng động vật lưỡng cư trên toàn thế giới.

Các thí nghiệm được giáo sư Tyrone Hayes và đồng nghiệp tiến hành thực hiện trên 40 con ếch đực khỏe mạnh, học phát hiện ra những con ếch đực tiếp xúc với hóa chất Atrazine có trong thuốc diệt cỏ bị mất khả năng giống đực, bộ phận sinh dục nữ của nó phát triển khi trưởng thành. Trong các nghiên cứu khác, hóa chất Atrazine có khả năng chuyển đổi nội tiết tố nam thành nội tiết tố nữ, điều này lý giải cho hiện tượng bộ phận sinh dục nữ phát triển trên cơ thể ếch đực. Nghiên cứu khoa học này đã chứng minh: "Hóa chất Atrazine đã gây ra sự mất cân bằng hormone khiến ếch phát triển sai về mặt cấu tạo di truyền"

Hình ảnh minh họa bộ phận sinh dục nữ phát triển trên ếch đực khi tiếp xúc với atrazine

Hiện nay, mặc dù các nhà khoa học chưa đủ bằng chứng để khẳng định hóa chất Atrazine ảnh hưởng lên con người như với loài ếch. Nhưng nhiều người vẫn lo ngại trong tương lai, việc sử dụng thuốc diệt cỏ, phân bón và nguồn nước có nhiễm atrazine sẽ tác động đến vấn đề sinh sản của con người, làm tăng nguy cơ lưỡng tính ở trẻ em

(Nguồn tham khảo: Tổng hợp trên khoahoc.tv và phunuonline.com.vn)

Tìm thông tin Doanh Nghiệp sản xuất & cung cấp Hóa chất: www.yp.vn/yp/nganh-nghe/HOA-CHAT.aspx

Thứ Hai, 27 tháng 4, 2015

PHƯƠNG PHÁP XỬ LÝ BỀ MẶT KIM LOẠI

Xử lý bề mặt là một khâu quan trọng trong quá trình sản xuất hầu hết các vật dụng bằng kim loại. Tùy thuộc vào bản chất của việc xử lý, bề mặt kim loại có thể được hoàn thiện theo các cách khác nhau. Nó có thể được cải thiện về độ bền ăn mòn hoặc bào mòn; có thể có một bề măt có tính xúc tác; hoặc có thể được làm tăng vẻ đẹp của bề mặt... Xử lý bề mặt kim loại bằng phương pháp điện hóa có thể thực hiện được tất cả những điều đó. Mạ điện là phương pháp xử lý bề mặt kim loại bằng điện hóa được sử dụng rộng rãi nhất. Tuy nhiên, còn có các phương pháp xử lý khác cũng dựa vào kỹ thuật điện hóa. Ví dụ: các quá trình thụ động hóa, anốt hóa, mạ hóa học, sơn điện di, đánh bóng điện hóa và đúc điện.

Mạ điện, mạ hóa học và anôt hóa chiếm tỷ trọng lớn trong các quá trình xử lý điện hóa bề mặt kim loại. Tuy nhiên, còn có nhiều lĩnh vực khác mà ở đó kỹ thuật điện hóa có thể mang đến những thay đổi có lợi cho bề mặt kim loại. Trước khi tiến hành xử lý, bề mặt kim loại cần được làm sạch dầu mỡ, các màng oxit và màng ăn mòn khác. Các dung dịch làm sạch điện hóa đã được sử dụng cho mục đích này. Chúng thường là các dung dịch kiềm, chứa natri hyđroxyt. Vật cần xử lý có thể là catôt hoặc luân phiên giữa hai cực. Quá trình thoát hyđro (ở chu kỳ catôt) và oxy (ở chu kỳ anôt) sẽ "cọ sạch" bề mặt kim loại

Một quá trình xử lý anôt bề mặt khác là đánh bóng điện hóa. Kim loại được xử lý trong một dung dịch nhớt pha từ axit đặc. Độ nhớt cao ngăn cản quá trình khuếch tán và cho phép hình thành một lớp màng trên bề mặt anôt. Sự hòa tan chọn lọc qua màng này chỉ xảy ra ở các điểm lồi trên bề mặt nên làm bề mặt phẳng và bóng lên. Trường hợp này áp dụng cho hợp kim đồng và một số loại thép không rỉ.

Cuối cùng, các lớp phủ thụ động cũng là các kỹ thuật điện hóa được sử dụng rộng rãi. Chúng thường được dùng cho các kim loại như nhôm và hợp kim nhôm, kẽm và hợp kim kẽm, thiếc, hợp kim magiê, cađimi. Quá trình thụ động, hầu hết thường đơn giản là nhúng để tạo ra một lớp oxit trên bề mặt kim loại làm tăng độ bền ăn mòn và đồng thời cũng quan trọng là làm nền rất tốt cho các màng hữu cơ khác. Một ví dụ của cách này là hộp thép tráng thiếc và sau đó tráng vecni để bảo vệ thiếc khỏi bị ăn mòn do thực phẩm. Có nhiều loại dung dịch thụ động hóa, song có 2 loại chính là cromat và photphat. Tuy nhiên cromat đang gây ra nhiều lo ngại vì độc tính và khả năng gây ung thư của nó.

(Nguồn tham khảo: www.vinachem.com.vn)

Tìm thông tin Doanh Nghiệp Hoa Chất xử lý bề mặt kim loại tại: www.yp.vn/yp/nganh-nghe/HOA-CHAT.aspx

Thứ Tư, 15 tháng 4, 2015

Các chất hoạt động bề mặt trong công nghiệp dệt nhuộm

Trong thực tế, quá trình nhuộm và in không chỉ đơn thuần là sự pha trộn của thuốc nhuộm và nước, để hiệu ứng màu thể hiện trên vải đòi hỏi nhuộm và in phải có thêm hóa chất dệt nhuộm khác mà ta gọi là các chất trợ. Các chất này có tác dụng đưa môi trường của dung dịch giặt – tẩy – nhuộm – in … Có độ pH, độ oxy hóa đúng theo yêu cầu sử dụng. Nhiều loại chất dệt nhuộm là các chất có trong thiên nhiên, tuy nhiên các loại hóa chất dệt nhuộm có nguồn gốc hóa học được sử dụng nhiều nhất. Trong đó chất hoạt động bề mặt được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau.

1. Chất trợ ngấm:
Vải mộc chứa đến 6% tạp chất thiên nhiên (sáp pectin...), trong quá trình dệt vải còn mang theo hồ và các tạp chất cơ học, vì thế nếu không qua giai đoạn nấu tẩy sẽ rất khó ngấm nước và các dung dịch hóa chất dệt nhuộm. Một số loại vải để mặc trắng tuy không cần nhuộm và in hoa nhưng vẫn cần phải nấu tẩy cho mềm, có độ thấm nước và thấm mồ hôi tốt.
Vì vậy trong công nghiệp dệt nhuộm người ta thường phải dùng chất trợ có khả năng ngấm cao để nấu tẩy nhằm xử lý hóa học vải trước khi nhuộm và in.

2. Chất phân tán
Đối với thuốc nhuộm dạng huyền phù, khi có chất hoạt động bề mặt sẽ tạo điều kiện cho thuốc nhuộm phân tán đồng đều và giúp cho thuốc ngấm vào xơ sợi đều màu hơn. Chất trợ phân tán là những hóa chất dệt nhuộm hoạt động bề mặt có khả năng làm giảm sức căng bề mặt vật liệu sợi và có tính chất phân tán cao, được sử dụng trong công nghệ nhuộm làm cho thuốc nhuộm trở thành một khối dung dịch linh động, đồng đều, dễ dàng thấm sâu vào vải. Những mặt hàng được nhuộm bằng thuốc nhuộm hoàn nguyên, thuốc nhuộm azô khi giặt bằng xà phòng phải được bổ sung vào dung dịch giặt một lượng chất phân tán để làm tăng thêm độ bền cọ sát. Khi gia công vật liệu l00% xơ sợi tổng hợp người ta cũng cần bổ sung chất phân tán vào để làm giảm độ tĩnh điện. Khi sản xuất các loại hồ in hoa, chất phân tán được đưa vào để hồ in được đồng đều và làm hệ thống ổn định, chống vón cục, chống tắc lưới in và có khả năng thâm nhập dễ dàng vào vải.

3. Chất tẩy rửa trong các giai đoạn giặt sau quá trình nấu vải
Do sợi dọc của vải khá dễ đứt, người ta phải hồ sợi dọc để tăng khả năng chịu đựng ma sát của sợi trước khi dệt, do vậy trước khi sử dụng hóa chất nhuộm phải giặt để loại hồ chưa được rũ sạch và sáp đi.

4. Chất làm mềm trong quá trình xử hoàn tất vải
Các loại vải cotton và tơ nhân tạo dễ bị cứng sau khi giặt, chất hoạt động bề mặt đóng vai trò như chất bôi trơn, có khả năng lan rộng và ngấm rất cao do chúng có thể hình thành một lớp màn mỏng bao phủ bên ngoài sợi và một phần ngấm vào trong sợi. Chúng làm giảm ma sát giữa các phần sợi với nhau làm cho sợi mềm mại hơn.
Các chất làm mềm vải chỉ được dùng với lượng nhỏ vì nếu dư sẽ làm cho vải nhớt. Các chất hoạt động bề mặt thường sử dụng ở đây là dầu béo sulfat hóa, alcol béo sulfat hóa, các chất hoạt động bề mặt cation….

5 Chất trợ trong in hoa
Chất hoạt động bề mặt thêm vào mực in là chất nhủ hóa, ổn định mực in dạng paste, tăng cường khả năng ngấm vào xơ sợi.

(Nguồn tham khảo: Hoahocngaynay.com)

Tìm thông tin Doanh Nghiệp Hoa Chất tại: www.yp.vn/yp/nganh-nghe/HOA-CHAT.aspx
Hóa chất dệt nhuộm, hóa chất ngành dệt, nhuộm

Thứ Hai, 6 tháng 4, 2015

Công nghệ mới sản xuất acrylate từ carbon dioxit

Acrylat là một loại hóa chất hàng hóa quan trọng, được sử dụng làm nguyên liệu để sản xuất nhiều sản phẩm khác nhau, từ sợi polyeste cho đến tã lót trẻ em.


Ngày nay, các công ty hóa chất trên thế giới sản xuất mỗi năm hàng tỉ tấn acrylat, thường bằng cách gia nhiệt propylen - một hợp chất dẫn xuất từ dầu mỏ. Propylen là nguyên liệu cacbon tương đối đắt tiền và không thể tái tạo. Vì vậy, các công ty trong lĩnh vực sản xuất acrylat với doanh số 2 tỉ USD/năm hiện rất quan tâm đến việc nâng cao hiệu quả kinh tế và tính bền vững của các quy trình sản xuất acrylat.

Từ thập niên 1980, các nhà nghiên cứu đã tìm kiếm khả năng sản xuất acrylat bằng cách kết hợp CO¬2 với khí etylen dưới tác động của xúc tác niken và các xúc tác kim loại khác. CO¬2 là nguyên liệu hiện rất sẵn có trên Trái Đất, còn etylen rẻ hơn propylen và có thể được sản xuất từ sinh khối cây trồng. Tuy nhiên, trước đây quy trình sản xuất này đã gặp phải những trở ngại khó vượt qua. Thay cho việc tạo thành phân tử acrylat, CO¬2 và etylen có xu hướng tạo thành phân tử tiền chất với vòng 5 thành phần gồm có oxy, niken và 3 nguyên tử cacbon. Nếu muốn thực hiện việc chuyển đổi thành acrylat, vòng này cần phải được phá vỡ để cho phép tạo thành liên kết kép của cacbon (quá trình khử). Từ trước đến nay, công đoạn này đã tỏ ra là rất khó thực hiện, nhưng các nhà nghiên cứu tại Đại học Tổng hợp Brown và Yale (Mỹ) mới đây đã phát hiện ra rằng các axit Lewis có thể dễ dàng phá vỡ vòng 5 thành phần đó, cho phép thực hiện quá trình khử và tạo thành acrylat.

Về cơ bản, axit Lewis là các chất nhận điện tử. Trong trường hợp nói trên, axit này lấy đi điện tử của liên kết giữa niken và oxy trong vòng 5 thành phần, do đó làm yếu liên kết và mở vòng đó ra.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, công nghệ này có thể được áp dụng đối với quá trình sử dụng xúc tác để sản xuất acrylat trên quy mô công nghiệp. Hiện tại họ đã có thể thực hiện tất cả các bước cần thiết của quy trình này

Ban đầu, nhóm nghiên cứu đã sử dụng axit Lewis mạnh nhất mà hiện sẵn có, dẫn xuất từ bo. Nhưng axit này quá mạnh nên không thể sử dụng cho quá trình xúc tác lặp lại, vì nó liên kết rất mạnh với sản phẩm acrylat nên không cho phép thực hiện các phản ứng tiếp theo với xúc tác niken. Do đó, họ đã chuyển sang sử dụng axit Lewis yếu hơn trong số nhiều loại axit Lewis khác nhau.

Nghiên cứu nói trên là công trình hợp tác giữa hai trường đại học Brown và Yale. Mục đích của nghiên cứu này là tìm cách sử dụng CO¬2 làm nguyên liệu sản xuất nhiều loại hóa chất hàng hóa khác nhau.

(Nguồn: Hoahocngaynay.com)

Tìm thông tin Doanh Nghiệp Hoa Chất tại: www.yp.vn/yp/nganh-nghe/HOA-CHAT.aspx

Thứ Tư, 25 tháng 3, 2015

Các nhà khoa học Mỹ sáng chế một loại polyme tiêm chống mất máu

Các nhà khoa học Mỹ đã sáng chế thành công một loại polymer có tên gọi là PolySTAT, chất polymer mới này ngăn chặn mất máu bằng cách tăng cường cục máu đông. Theo quan niệm của các nhà nghiên cứu, phát minh này sẽ cứu sống nhiều sinh mạng, đặc biệt là những người bị thương nặng trong tình huống chiến sự và khó ngăn chặn xuất huyết bên trong.

Theo báo cáo công bố trên Science Translational Medicine, các nhà khoa học đã thành công sáng chế ra loại polymer tiêm, nâng cao đáng kể tốc độ máu đông của người bệnh, — như tin đưa của The Verge.

Các phương pháp điều trị hiện tại để tăng cường đông máu thường liên quan đến việc sử dụng các tiểu huyết cầu của người khác vốn đắt đỏ, cần phải trữ lạnh và có hạn sử dụng ngắn, có nghĩa rằng chúng không phải lúc nào cũng có sẵn ngoài thực địa. Năm 2009, chúng ta đã thấy các tiểu huyết cầu tổng hợp được làm từ polyme phân hủy sinh học đã giúp giải quyết được vấn đề.

Các nhà nghiên cứu Đại học Washington cũng sử dụng phương pháp tương tự nhưng thay vì hỗ trợ tiểu huyết cầu vốn chịu trách nhiệm hình thành cái chốt chặn ban đầu tại khu vực chấn thương thì polyme tiêm được của họ hỗ trợ một protein có tên tơ huyết (fibrin), giúp tăng cường chốt chặn tiểu huyết cầu.
Thêm vào đó, các nhà nghiên cứu cho hay PolySTAT sẽ không hình thành cục máu đông mà có thể dẫn tới đột quỵ hay tắc mạch vì nó chỉ liên kết với tơ huyết ở chỗ vết thương, bỏ qua tiền chất của tơ huyết lưu thông khắp cơ thể.
Trong một nghiên cứu ban đầu sử dụng chuột, nhóm đã phát hiện ra rằng 100% chuột được tiêm PolySTAT sống sót sau một chấn thương trên động mạch đùi mà thường gây tử vong so với chỉ 20% chuột được xử lí bằng một protein tự nhiên giúp đông máu.

Như vậy, trong tương lai với trợ giúp của PolySTAT sẽ dễ dàng hơn khi cứu sống những người bị chảy máu ngoài ồ ạt cũng như xuất huyết bên trong, hiện tượng cực khó ngăn chặn trong điều kiện chiến đấu. Và ngoài sử dụng trên chiến trường, PolySTAT có thể trở thành hàng phòng vệ đầu tiên cho mọi thứ, từ tai nạn xe cộ ở vùng nông thôn cho tới các sứ mệnh tìm kiếm cứu nạn ở vùng sâu vùng xa. Họ cũng tìm hiểu khả năng của vật liệu trong điều trị bệnh ưa chảy máu và nghiên cứu xem nó có thể kết hợp vào băng y tế hay không.

Trước khi chuyển sang các thử nghiệm trên người trong vòng 5 năm tới, đầu tiên các nhà nghiên cứu sẽ tiếp tục thử nghiệm vật liệu polyme này trên các loài động vật lớn hơn và tiến hành sàng lọc thêm để xem nó có liên kết với bất kỳ chất nào ngoài ý muốn không.


Tìm thông tin Doanh Nghiệp Hoa Chất tại: www.yp.vn/yp/nganh-nghe/HOA-CHAT.aspx

Thứ Tư, 18 tháng 3, 2015

CÁC HÓA CHẤT TẠO MÀU THỦY TINH

Từ thế kỷ 17, người ta đã sớm bắt đầu sản xuất loại chai đựng bằng thủy tinh có màu đen nhờ vào sự kết hợp của sắt có trong cát và lưu huỳnh có trong than dùng để nấu chảy thủy tinh. Cũng trong thời gian đó, các loại màu chuyên dụng khác nhau đã thu được bằng các phương pháp khác nhau.

Trong dạng thuần khiết và ở điều kiện bình thường, thủy tinh là một chất trong suốt, tương đối cứng, khó mài mòn, rất trơ hóa học và không hoạt động xét về phương diện sinh học, có thể tạo thành với bề mặt rất nhẵn và trơn. Tuy nhiên, thủy tinh rất dễ gãy hay vỡ thành các mảnh nhọn và sắc dưới tác dụng của lực hay nhiệt một cách đột ngột. Tính chất này có thể giảm nhẹ hay thay đổi bằng cách thêm một số chất bổ sung vào thành phần khi nấu thủy tinh hay xử lý nhiệt.
Thủy tinh là một chất trong suốt

Vào thế kỷ 19, các nhà sản xuất thủy tinh tiếp tục kiểm tra và thử nghiệm các màu mới. Ngày nay, họ sử dụng đồng (Cu) để sản xuất thủy tinh màu xanh ngọc và sử dụng vàng (Au) để tạo ra thủy tinh có màu hồng ngọc. Trước đó, loại thủy tinh màu xanh do người Ai Cập phát hiện ra cũng từ việc sử dụng hợp chất Cu. Mangan (Mn) được sử dụng chủ yếu để sản xuất thủy tinh màu đỏ tía, trong khi crôm (Cr) được sử dụng để sản xuất thủy tinh có màu xanh đậm. Các loại thủy tinh màu xanh nổi tiếng có được khi sử dụng coban (Co) trong hỗn hợp với kali cacbonat. Tuy nhiên, nguyên tố này sẽ tạo ra màu hồng khi sử dụng trong hỗn hợp boro-silicat, và tạo thành màu xanh khi sử dụng với iođua. Đồ sứ Trung Quốc từ thời nhà Tần đến thời nhà Minh đều được trang trí bằng màu xanh coban.

Bằng việc kết hợp các loại hóa chất, các nhà sản xuất thủy tinh đang nhằm vào mục đích sản xuất ra các đồ vật bắt mắt và đồ trang sức.
Bộ ly thủy tinh màu
Chai lọ nước hoa bằng thủy tinh màu

Một số hóa chất tạo màu cho thủy tinh:
Các kim loại và ôxít kim loại được bổ sung thêm vào thủy tinh trong quá trình sản xuất nó để thay đổi màu sắc của nó. Mangan có thể thêm vào với một lượng nhỏ để loại bỏ màu xanh lá cây tạo ra bởi sắt hay trong một lượng lớn hơn để cho thủy tinh có màu tím amêtít. Giống như mangan, selen có thể sử dụng với một lượng nhỏ để làm bay màu của kính, hay trong một lượng lớn hơn để tạo ra màu hơi đỏ. Một lượng nhỏ côban (0,025 đến 0,1%) sinh ra thủy tinh màu xanh da trời. Ôxít thiếc với antimoan và ôxít asen sinh ra thủy tinh màu trắng đục, lần đầu tiên đã được sử dụng ở Venezia để sản xuất đồ giả sứ. 2 đến 3% của ôxít đồng sinh ra màu xanh lam.

Thủy tinh màu xanh
Đồng kim loại nguyên chất sinh ra thủy tinh mờ có màu đỏ thẫm, nó đôi khi được sử dụng thay thế cho thủy tinh màu hồng ngọc của vàng. Niken, phụ thuộc vào nồng độ, sinh ra thủy tinh có màu xanh da trời hay màu tím hoặc thậm chí là màu đen. Sự bổ sung titan sinh ra thủy tinh có màu nâu vàng. Vàng kim loại trong một lượng rất nhỏ (khoảng 0,001%), sinh ra thủy tinh có màu hồng ngọc thẫm, trong khi một lượng thấp hơn sinh ra màu đỏ nhạt hơn, thông thường gọi là màu "nam việt quất". Nguyên tố urani (0,1 đến 2%) có thể thêm vào để thủy tinh có màu vàng phản quang hay màu xanh lá cây. Thủy tinh urani nói chung là không nguy hiểm về phóng xạ, tuy vậy nếu nó ở dạng bột, chẳng hạn như đánh bóng bằng giấy nhám, và dạng bụi thì nó là tác nhân gây ung thư. Hợp chất của bạc (thông thường là nitrat bạc) có thể sinh ra một khoảng màu từ đỏ da cam đến vàng. Phương thức đốt nóng và làm lạnh thủy tinh có thể có ảnh hưởng đáng kể tới màu sinh ra bởi các chất này. Các chất này tham gia vào cấu trúc thủy tinh như thế nào hiện nay vẫn chưa được nghiên cứu kỹ. Các loại thủy tinh màu khác vẫn thường xuyên được tìm ra.

Hóa chất nhuộm màu thủy tinh
Thủy tinh thông thường không cho ánh sáng có bước sóng nhỏ hơn 400nm, hay tia cực tím (UV) đi qua. Có điều này vì sự bổ sung của các hợp chất như tro sô đa (cacbonat natri). Thủy tinh thuần SiO2 (còn gọi là thủy tinh thạch anh) không hấp thụ tia UV và nó được sử dụng trong các ứng dụng yêu cầu độ trong suốt trong khoảng bước sóng này, mặc dù nó đắt hơn thủy tinh thường. Có thể pha thêm xêri vào thủy tinh để tăng việc hấp thụ tia cực tím (các bức xạ ion hóa nguy hiểm về mặt sinh học).

(Nguồn: hoahocngaynay.com)

Tìm thông tin Doanh Nghiệp Hoa Chất tại: www.yp.vn/yp/nganh-nghe/HOA-CHAT.aspx