Thứ Hai, 27 tháng 4, 2015

PHƯƠNG PHÁP XỬ LÝ BỀ MẶT KIM LOẠI

Xử lý bề mặt là một khâu quan trọng trong quá trình sản xuất hầu hết các vật dụng bằng kim loại. Tùy thuộc vào bản chất của việc xử lý, bề mặt kim loại có thể được hoàn thiện theo các cách khác nhau. Nó có thể được cải thiện về độ bền ăn mòn hoặc bào mòn; có thể có một bề măt có tính xúc tác; hoặc có thể được làm tăng vẻ đẹp của bề mặt... Xử lý bề mặt kim loại bằng phương pháp điện hóa có thể thực hiện được tất cả những điều đó. Mạ điện là phương pháp xử lý bề mặt kim loại bằng điện hóa được sử dụng rộng rãi nhất. Tuy nhiên, còn có các phương pháp xử lý khác cũng dựa vào kỹ thuật điện hóa. Ví dụ: các quá trình thụ động hóa, anốt hóa, mạ hóa học, sơn điện di, đánh bóng điện hóa và đúc điện.

Mạ điện, mạ hóa học và anôt hóa chiếm tỷ trọng lớn trong các quá trình xử lý điện hóa bề mặt kim loại. Tuy nhiên, còn có nhiều lĩnh vực khác mà ở đó kỹ thuật điện hóa có thể mang đến những thay đổi có lợi cho bề mặt kim loại. Trước khi tiến hành xử lý, bề mặt kim loại cần được làm sạch dầu mỡ, các màng oxit và màng ăn mòn khác. Các dung dịch làm sạch điện hóa đã được sử dụng cho mục đích này. Chúng thường là các dung dịch kiềm, chứa natri hyđroxyt. Vật cần xử lý có thể là catôt hoặc luân phiên giữa hai cực. Quá trình thoát hyđro (ở chu kỳ catôt) và oxy (ở chu kỳ anôt) sẽ "cọ sạch" bề mặt kim loại

Một quá trình xử lý anôt bề mặt khác là đánh bóng điện hóa. Kim loại được xử lý trong một dung dịch nhớt pha từ axit đặc. Độ nhớt cao ngăn cản quá trình khuếch tán và cho phép hình thành một lớp màng trên bề mặt anôt. Sự hòa tan chọn lọc qua màng này chỉ xảy ra ở các điểm lồi trên bề mặt nên làm bề mặt phẳng và bóng lên. Trường hợp này áp dụng cho hợp kim đồng và một số loại thép không rỉ.

Cuối cùng, các lớp phủ thụ động cũng là các kỹ thuật điện hóa được sử dụng rộng rãi. Chúng thường được dùng cho các kim loại như nhôm và hợp kim nhôm, kẽm và hợp kim kẽm, thiếc, hợp kim magiê, cađimi. Quá trình thụ động, hầu hết thường đơn giản là nhúng để tạo ra một lớp oxit trên bề mặt kim loại làm tăng độ bền ăn mòn và đồng thời cũng quan trọng là làm nền rất tốt cho các màng hữu cơ khác. Một ví dụ của cách này là hộp thép tráng thiếc và sau đó tráng vecni để bảo vệ thiếc khỏi bị ăn mòn do thực phẩm. Có nhiều loại dung dịch thụ động hóa, song có 2 loại chính là cromat và photphat. Tuy nhiên cromat đang gây ra nhiều lo ngại vì độc tính và khả năng gây ung thư của nó.

(Nguồn tham khảo: www.vinachem.com.vn)

Tìm thông tin Doanh Nghiệp Hoa Chất xử lý bề mặt kim loại tại: www.yp.vn/yp/nganh-nghe/HOA-CHAT.aspx

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét